Cửa sổ là thành phần không thể thiếu trong kiến trúc nhà ở, chúng không chỉ có giá trị về mặt công năng mà còn được xem là nơi mang đến cái nhìn thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tuy nhiên, cách trổ cửa sổ ở mỗi không gian không giống nhau, cần có sự khác biết để phù hợp với từng chức năng sinh hoạt chính
1. Phòng khách:
Phòng khách trong nhà luôn có tần suất sử dụng nhiều nhất và số lượng người đi lại, sinh hoạt nhiều nên yêu cầu thông thoáng, ánh sáng rất cao. Các KTS thường bố trí nhiều cửa sổ ở không gian này hơn hẳn so với các không gian khác trong nhà nhằm tạo cảm giác khoáng đạt, thoải mái.
Bởi vậy, cửa sổ ở phòng khách phải được thiết kế ở vị trí đón gió tốt, nhiều ánh sáng, cụ thể là hướng Đông Nam của ngôi nhà và thay vì bố trí nhiều cửa nhỏ lắt nhắt khác nhau thì KTS thường dành hản một khoảng diện tích rộng, có thể là cả một mảng tường bằng vách kính, vừa hiện đại, vừa tạo được góc view rộng và thoáng.
2. Phòng ngủ:
Cửa sổ trong phòng ngủ cũng rất quan trọng, vì hiện nay diện tích phòng ngủ thường khá nhỏ, đó cũng là nơi duy nhất lấy sáng tự nhiên ngoài trời. Tuy nhiên, khác với phòng khách ở chỗ vị trí trổ cửa sổ ở phòng ngủ không đa dạng vì đây là khu vực nghỉ ngơi của mỗi cá nhân, ánh sáng không nên quá chói.
Ví dụ, không nên trổ cửa sổ ở vị trí đầu giường ngủ hoặc hướng thẳng vào mặt người nằm hoặc hướng Tây để tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ và sức khỏe chủ nhân trong đó.
3. Phòng tắm:
Quan niệm về phòng tắm hiện nay đã khác trước rất nhiều, cụ thể là trước đây, phòng tắm luôn được đặt ở vị trí kín đáo, nhỏ gọn và ít người nhìn thấy.
Với thiết kế mới ngày nay, phòng tắm ngày càng được mở rộng theo xu hướng đem ánh sáng thiên nhiên vào phòng, tạo cảm giác khô ráo và sạch sẽ khác với những căn phòng tối và ẩm mốc thường thấy. Cửa sổ phòng tắm có thể mở rộng tối đa kích thước có thể nhưng lưu ý vẫn cần đảm bảo sự riêng tư nhất định.
Mai Hà
Ý kiến của bạn